1. Công tác thẩm duyệt hồ sơ dự án và thiết kế: Dự án, công trình hay hạng mục công trình (sau đây gọi chung là công trình) quy định tại phụ lục 3 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP thuộc mọi nguồn vốn đầu tư khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng phải có thiết kế về phòng cháy và chữa cháy do cơ quan có đủ năng lực thiết kế và phải được thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy trước khi thi công.
1.1. Công tác thẩm duyệt dự án
a) Đối tượng thẩm duyệt - Tất cả các công trình quy định tại phụ lục 3 Nghị định 35/2003/NĐ-CP. - Đối với các công trình quy định tại các mục 14, 15, 19 phụ lục 3 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP không thuộc diện phải lập dự án quy hoạch xây dựng và dự án đầu tư thì phải được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chấp thuận về địa điểm trước khi tiến hành thiết kế công trình.
b) Hồ sơ nộp cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm quyền gồm có - Văn bản của chủ đầu tư đề nghị thẩm duyệt; - Hồ sơ dự án quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư và hồ sơ thiết kế cơ sở. § Đối với việc chấp thuận địa điểm xây dựng công trình gồm - Văn bản của chủ đầu tư đề nghị chấp thuận địa điểm xây dựng, trong đó nêu rõ đặc điểm, quy mô, tính chất của công trình dự kiến xây dựng; - Tài liệu hoặc bản vẽ thể hiện rõ địa điểm, hướng gió chủ đạo, các thông tin về địa hình của khu đất, về khí hậu, thuỷ văn, khoảng cách từ công trình dự kiến xây dựng đến các cơ sở, công trình xung quanh.
c) Thời gian thẩm duyệt dự án: Thời gian thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy được tính kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ và được quy định như sau: - Không quá 20 ngày làm việc đối với dự án quy hoạch, dự án xây dựng; - Không quá 10 ngày làm việc đối với việc chấp thuận về địa điểm xây dựng công trình, songđể tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy - Công an tỉnh Quảng Ngãi giảm thời gian thẩm duyệt như sau: - Không quá 06 ngày làm việc đối với dự án quy hoạch, dự án xây dựng; - Không quá 05 ngày làm việc đối với việc chấp thuận về địa điểm xây dựng công trình. - Kết quả chấp thuận địa điểm xây dựng công trình phòng Cảnh sát PCCC trả lời bằng văn bản.
1.2. Công tác thẩm duyệt hồ sơ thiết kế thi công:
a) Đối tượng thẩm duyệt - Các công trình quy định tại phụ lục 3 Nghị định 35/2003/NĐ-CP. b) Hồ sơ nộp cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt gồm có - Văn bản đề nghị thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư; trường hợp chủ đầu tư uỷ quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản uỷ quyền kèm theo; - Bản sao giấy phép đầu tư và chứng chỉ quy hoạch hay thoả thuận về địa điểm của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; - Các bản vẽ và bản thuyết minh thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy như sau: § Địa điểm xây dựng công trình bảo đảm khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình xung quanh; § Bậc chịu lửa hay mức độ chịu lửa của công trình phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình; có giải pháp đảm bảo ngăn cháy và chống cháy lan giữa các hạng mục của công trình và giữa công trình này với công trình khác; § Công nghệ sản xuất, hệ thống điện, chống sét, chống nổ của công trình và bố trí các hệ thống, máy móc, thiết bị vật tư bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy; § Hệ thống thoát nạn gồm cửa, lối đi, hành lang, cầu thang chung, cửa, lối đi, cầu thang dành riêng cho thoát nạn, thiết bị chiếu sáng và chỉ dẫn lối thoát, thiết bị thông gió và hút khói, thiết bị cứu người, thiết bị báo tín hiệu bảo đảm cho việc thoát nạn nhanh chóng, an toàn khi xảy ra cháy; § Hệ thống giao thông, bãi đỗ phục cho phương tiện chữa cháy cơ giới bảo đảm kích thước và tải trọng; hệ thống cấp nước chữa cháy bảo đảm phục vụ chữa cháy; § Hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy và phương tiện chữa cháy khác bảo đảm số lượng, vị trí lắp đặt và các thông số kỹ thuật phù hợp với thông số đặc điểm và tính chất hoạt động của công trình; § Trong dự án và thiết kế phải có dự toán kinh phí cho hạng mục phòng cháy chữa cháy. Hồ sơ thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy gồm 03 bộ, nếu hồ sơ thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch ra tiếng Việt kèm theo và hồ sơ phải có xác nhận của chủ đầu tư.
c) Thời gian thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy được tính từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ và được quy định như sau - Không quá 30 ngày làm việc đối với thiết kế kỹ thuật công trình nhóm A; - Không quá 20 ngày làm việc đối với thiết kế kỹ thuật công trình nhóm B,C. Phân nhóm dự án công trình nhóm A, B, C thực hiện theo Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành. Nhưng để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư phòng Cảnh sát PCCC - Công an tỉnh Quảng Ngãi giảm thời gian thẩm duyệt như sau: - Không quá 20 ngày làm việc đối với thiết kế kỹ thuật công trình nhóm A; - Không quá 10 ngày làm việc đối với thiết kế kỹ thuật công trình nhóm B,C. d) Kinh phí cho việc thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy được xác định trong vốn đầu tư của dự án, công trình Hiện nay Chính phủ chưa có quy định mức phí và lệ phí thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy, nên cơ quan Cảnh sát PCCC chưa thu. Kết quả thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy theo mẫu PC1 do phòng Cảnh sát PCCC ký.
2. Kiểm tra thi công về phòng cháy và chữa cháy:
2.1. Kiểm tra thi công về phòng cháy và chữa cháy gồm kiểm tra thi công các hạng mục về phòng cháy và chữa cháy và lắp đặt thiết bị phòng cháy và chữa cháy theo thiết kế đã được thẩm duyệt. Việc kiểm tra thi công về phòng cháy và chữa cháy được thực hiện ít nhất một lần ở giai đoạn thi công, lắp đặt các thiết bị này và kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu thi công, lắp đặt sai thiết kế được duyệt.
2.2. Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thực hiện kiểm tra thi công về phòng cháy và chữa cháy những công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy do mình thẩm duyệt.
2.3. Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thực hiện kiểm tra việc thi công về phòng cháy và chữa cháy đối với những công trình do mình thẩm duyệt và những công trình được Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ủy quyền hoặc yêu cầu. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy sẽ cùng với Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tiến hành kiểm tra thi công về phòng cháy và chữa cháy.
2.4. Kiểm tra thi công về phòng cháy và chữa cháy, đại diện của chủ đầu tư, chủ phương tiện, đại diện đơn vị thi công phải có mặt tham gia, đồng thời chủ đầu tư có thể mời các thành phần khác có liên quan trực tiếp tham gia nếu thấy cần thiết. Chủ đầu tư, chủ phương tiện và nhà thầu phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu và đảm bảo các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc kiểm tra. Hồ sơ phục vụ kiểm tra thi công bao gồm hồ sơ thiết kế được duyệt và các chứng chỉ, tài liệu cần thiết liên quan đến chất lượng thi công, lắp đặt các thiết bị phòng cháy và chữa cháy.
2.5. Chủ đầu tư, chủ phương tiện có trách nhiệm thông báo tiến độ thi công công trình, lắp đặt thiết bị phòng cháy và chữa cháy cho Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ở địa phương nơi có công trình xây dựng.
2.6. Trước khi tiến hành kiểm tra thi công ít nhất 03 ngày làm việc, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phải thông báo cho chủ đầu tư, chủ phương tiện về thời gian, nội dung, kế hoạch kiểm tra.
2.7. Kết quả kiểm tra được ghi vào biên bản theo mẫu PC3. Chủ đầ tư, chủ phương tiện có trách nhiệm thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn những kiến nghị của cơ quan kiểm tra đã nêu trong biên bản.
3. Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy
3.1. Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy là một phần việc trong nghiệm thu tổng thể công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.
3.2. Hồ sơ nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy do chủ đầu tư, chủ phương tiện chuẩn bị gồm - Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy và Biên bản kiểm tra thi công về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; - Báo cáo của chủ đầu tư, chủ phương tiện về tình hình kết quả thi công, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm và nghiệm thu các hệ thống, thiết bị và kết cấu phòng cháy và chữa cháy; - Văn bản, chứng chỉ kiểm định thiết bị, phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã lắp đặt trong công trình; - Biên bản thử nghiệm và nghiệm thu từng phần và tổng thể các hạng mục, hệ thống phòng cháy và chữa cháy; - Các bản vẽ hoàn công hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hạng mục có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy; - Tài liệu,quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống phòng cháy và chữa cháy của công trình, của phương tiện; - Văn bản nghiệm thu các hạng mục, hệ thống, thiết bị kỹ thuật khác có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy. Các văn bản và hồ sơ nêu trên phải có đủ dấu, chữ ký của chủ đầu tư, chủ phương tiện, nhà thầu, đơn vị thiết kế, nếu thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt; riêng các bản vẽ hoàn công của hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hạng mục có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy chỉ dịch ra tiếng Việt những nội dung cơ bản theo yêu cầu của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Kết quả nghiệm thu thực hiện theo mẫu PC3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét